Thói quen Nhỏ, Kết quả TO

10:02









Ngày xưa, có một người vô cùng quan trọng mà mình muốn thay đổi.

Nhưng dù nói nặng nói nhẹ, dùng đủ cách mà hắn vẫn không thay đổi. Hắn họ Bản, tên Thân, hắn là chính Bản Thân mình. Nhưng bây giờ, hai đứa hòa hợp hơn nhiều. Hắn tập thể dục, uống nước đều đặn, dành được thời gian cho ước mơ, và tập được rất nhiều thói quen bổ ích! Tất cả là nhờ bí mật “Cảm Kích Quá!”

Bài viết này sẽ giúp bạn biết nguyên nhân gốc rễ tạo ra các thất bại liên tiếp trong việc thay đổi bản thân. Đồng thời, với ba bước đơn giản mà hiệu nghiệm bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy việc tập một thói quen thực ra không hề khó khăn như bạn nghĩ. Wow, được như vậy thì Cảm Kích Quá, Are You Ready?

Vệ tinh CẢM hứng

Theo bạn vì sao người ta mãi không thay đổi? Vì thiếu quyết tâm, thiếu động lực hay thiếu cảm hứng? Mà thực ra 3 cái đó cũng na ná nhau thôi mà, hãy cùng kiểm tra xem có phải không nhé!

Có lần nào đó mà bạn tràn trề động lực cảm hứng, bạn quyết tâm thay đổi lắm… và vài hôm sau, mọi thứ lại đâu vào đó? Chắc chắn có, thậm chí nhiều là đằng khác. Như vậy rõ ràng vấn đề không nằm ở cảm hứng. Mà thực ra để có cảm hứng không hề khó!



Chỉ cần đọc một bài viết hay, một cuốn sách tuyệt, tham gia một khóa học truyền cảm hứnghoặc tiếp xúc với những người tích cực, cảm hứng sẽ lập tức tràn trề. Nhưng vấn đề là tại sao Cảm hứng lại mất đi?

Đơn giản là vì Cảm hứng đã hoàn thành nhiệm vụ của nó. Giống một người thầy, Cảm hứng sút tung bạn ra khỏi trạng thái ì ạch, nhưng sau đó bạn phải tự bước đi. Còn xét về mặt khoa học, cảm hứng đem lại cho bạn một cảm giác dễ chịu. Và đã là cảm giác, chúng không tồn tại mãi. Hãy thử nhắm mắt, ngồi yên vài phút. Bạn sẽ thấy có cảm giác ngứa ngáy ở đâu đó, và nếu bạn kiên nhẫn không gãi và quan sát nó. Điều kỳ diệu sẽ xảy ra : Chỗ đó sẽ hết ngứa (và bạn sẽ ngứa chỗ khác).

Do vậy hãy nhớ, dù cảm hứng mấy thì rồi cũng sẽ tiêu tan!

Một điều thú vị là những người thành công mình gặp hoặc tìm hiểu đều có một điểm chung: Họ cũng có những lúc thiếu cảm hứng, mất động lực… nhưng tại sao họ vẫn thành công? Lý do thật đơn giản và rõ ràng : Cảm hứng không phải là tất cả! Giống như để đưa một vệ tinh lên quỹ đạo, đâu cần cung cấp lực đẩy liên tục? Chỉ cần tính toán và dùng tên lửa đưa nó lên một độ cao nhất định, là vệ tinh có thể tự động quay quanh trái đất. Rõ ràng, Cảm hứng không phải là tất cả!



Tóm lại, nguyên nhân đầu tiên khiến nhiều người mãi không thay đổi là họ mắc kẹt vào việc tìm động lực cảm hứng, thứ cũng quan trọng nhưng chỉ góp 5% vào sự thay đổi. Bạn MUỐN thực sự thay đổi không?

Nếu câu trả lời là có, thì thế là đủ rồi. Thời gian còn lại hãy tập trung vào Nỗ lực Đúng đắn,nỗ lực để tạo ra các Thói quen tốt, thứ đảm bảo 95% thay đổi. Nhưng đã bao lần bạn thất bại trong việc rèn luyện thói quen? Làm sao để tạo dựng thói quen hiệu quả? Bí mật nằm ở chữ KÍCH tiếp theo.
Bình nước KÍCH hoạt

Hồi học sinh, dù bôi cả tấn kem chống nẻ nhưng môi mình lúc nào cũng nứt toác cả máu. Sau này mình mới biết là nguyên nhân là lười uống nước. Tại sao lười uống nước? Do trên lớp chỉ có hai cái cốc mà tận vài chục đồng chí thò mồm vào nên mình ngại. Dở hơi thật, chỉ vì ngại mà phải chịu khổ chục năm, tốn tấn tiền cho đủ các loại thuốc nội ngoại. Trong khi đó chỉ cần có cái bình nước trong cặp, vấn đề được giải quyết tận gốc!



Nếu đã đọc bài Đừng uống khi khát, bạn đã biết câu chuyện mình sang Singapore rồi từ đó luôn mang theo một bình nước riêng. Đó là một KÍCH HOẠT THỤ ĐỘNG. Còn nếu bạn không có bình nước mà chỉ tự nhắc mình phải nhớ uống nước, đó là một KÍCH HOẠT CHỦ ĐỘNG.

Mà bạn biết đấy, trí nhớ thì thất thường lắm. Nếu nhớ thì uống, không nhớ thì thôi. Tỷ lệ thành công 50%. Mà chưa hẳn đâu, sẽ có lúc bạn nhớ ra là phải uống, nhưng có thể đang dở dang công việc nên ngại không uống. Bạn tự nhắc “lát sẽ uống” và thế là quên béng mất. Vậy là tỷ lệ thành công thực tế còn dưới 25%.

Nhưng nếu bạn mua một bình nước, đổ đầy, và đặt ngay trên bàn thì mọi thứ sẽ khác.

Lúc ấy thay vì giải quyết một loạt câu hỏi : 1. Có nhớ uống không? 2. Uống bây giờ tiện không? 3. Còn nước không nhỉ? … thì với cái bình đầy nước trước mặt, chỉ còn một câu hỏi : Có uống luôn không, hay là gõ nốt câu này rồi uống? (mình vừa mới uống đấy ^^!)

Với yếu tố KÍCH HOẠT THỤ ĐỘNG, tỷ lệ thành công luôn > 50%.

Bạn biết Adam Khoo chứ? Người viết cuốn sách Tôi Tài Giỏi! Bạn Cũng Thế! nổi tiếng. Bọn mình đã từng được gặp ông ấy. Một điều thú vị là trong cặp ông luôn có một quyển sách, nó giúp ông có thói quen cứ rảnh là… đọc sách.

Không chỉ trong việc uống nước, bạn bản thân mình đã áp dụng để luyện được nhiều thói quen tốt (mà trước đây toàn nhớ nhớ quên quên). Bạn có thể tham khảo để hiểu thêm về các KÍCH HOẠT THỤ ĐỘNG.
Để luôn đọc những thông tin bổ ích : mình lên các trang mình thích và để lại email. Thế là hòm mail của mình hàng tuần được cập nhật các bài viết theo chủ đề mình quan tâm 
Để luôn lạc quan tích cực : mình thường dùng các nickname password tích cực. Mình biết có một anh đã bỏ được thuốc lá chỉ nhờ dùng password là quit@smoking4rever.
Để luôn lập kế hoạch : mình mặc định trang đầu tiên khi mở trình duyệt web là Google Calendar thay vì Facebook hay Google Search.

Tóm lại, thay vì vất vả dùng trí nhớ để KÍCH HOẠT CHỦ ĐỘNG hãy đơn giản là tạo ra cácKÍCH HOẠT THỤ ĐỘNG từ bên ngoài. Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy tỷ lệ thành công thường lớn hơn 50%. Bạn có muốn nâng cao tỷ lệ này lên 75% thậm chí 100% không?Chúng ta sẽ đến với bí mật về chữ QUÁ!
30 giây? QUÁ dễ!

Hãy tính phép toán này trong đầu… 492 x 492 = ?

Mới nhìn đã sốc và không muốn làm phải không? Nhưng sự thật là bạn làm được nó trong đầu. Chỉ mất chưa tới 10 giây. Hãy thực hiện theo đúng các bước sau!
Bước 1 : Lấy 250 trừ 8 sẽ ra là …
Bước 2 : Lấy kết quả trên nhân với 1000, ra là …
Bước 3 : Lấy kết quả vừa xong cộng với 8×8 sẽ ra là …
Bước 4 : Bấm máy tính và so sánh với kết quả bạn vừa tính.

Bạn bất ngờ chứ? Đúng là 242 064 phải không? Tại sao ư? Không quan trọng. Quan trọng là vừa rồi bạn đã tính nó trong đầu. Và với cách chia nhỏ từng bước, mình đã đạt mục tiêu là… bắt bạn tính phép toán đó trong đầu! (mặc dù lúc đầu có thể bạn thậm chí còn không thèm thử)



Để chạy được, thì phải biết đi cái đã. Để đạt Kết quả TO, cách dễ nhất là bắt đầu từ Hành động NHỎ. Nhưng thực tế hầu hết mọi người lại thực hiện những thứ khá TO mà cứ nghĩ là nhỏ.

Ví dụ, khi được biết tiếng Anh có khoảng 3000 từ thông dụng, chỉ thành thạo chúng là trình độ sẽ tăng ầm ầm. Thật là cảm hứng, nhiều người quyết định luôn : Học 20 từ/ngày. Nhưng sau vài ngày, họ bỏ cuộc hoặc điều chỉnh chỉ còn 10 từ/ngày. Ấy vậy mà vẫn bỏ cuộc… thậm chí có những người quyết tâm 1 từ/ngày. Nhưng rốt cuộc vẫn không tài nào duy trì được. Tại sao ư?

Một phần là do họ chưa khéo léo tạo được KÍCH HOẠT THỤ ĐỘNG. Nhưng phần lớn lại là do tình trạng “Hôm nay mệt qué, để mai bù cũng được mà”. Đó là sự trì hoãn… hay còn gọi là ĐẤU TRANH NỘI TÂM. Vậy làm sao để chiến thắng bản thân, làm sao để chấm dứt ĐẤU TRANH NỘI TÂM?

Xét về một góc độ nào đó. Khi bạn muốn Chiến thắng Bản thân… tức là cái anh họ Bản tên Thân kia sẽ trở thành đối thủ, thậm chí… kẻ thù. Ồ không, không phải. Mục đích của bạn là vì Bản Thân tốt hơn, là sự hòa hợp giữa hai bên. Vậy rõ ràng chiến tranh sẽ không giải quyết được vấn đề!

Cách tốt nhất để giữ hòa bình… là đừng có gây chiến!

Hãy nghĩ tới một lúc nào đó bạn trì hoãn, bạn không muốn làm một việc gì đó. Thế sau đó thường bạn làm gì? Chơi? Ngủ? Giải trí? Cho dù bạn làm gì thì đặc điểm chung của chúng là… đều QUÁ dễ để làm. Trong khi việc ban đầu thì QUÁ khó.

Trong lúc mệt, nằm ra giường ngủ một giấc vài tiếng sẽ dễ hơn là tiếp tục làm bài tập 30 phút. Trong lúc chán, thì bật Games lên chơi 2 tiếng sẽ dễ hơn là bỏ 1 tiếng học 10 từ tiếng Anh. Trong lúc rảnh, lướt Facebook 1 tiếng sẽ dễ hơn nhiều là ra ngoài tập thể dục 15 phút.

Bộ não vốn được lập trình để… ưu tiên việc dễ trước. Do vậy nếu bạn làm việc khó, bạn đã… gây chiến với chính bản thân mình, ĐẤU TRANH NỘI TÂM xảy ra. Nếu thắng thì cũng được đấy, nhưng hình như… thua mới là chuyện thường tình.



Quay trở lại thói quen uống nước. Thật ra không phải là ngay sau khi mua bình là chắc chắn sẽ uống đủ 2 lít/ngày. Nó còn phụ thuộc vào từng người. Với bản thân mình, do bị ám ảnh về nẻ môi nên đã vốn có sẵn quyết tâm uống nước, chỉ cần có bình nước làm KÍCH HOẠT THỤ ĐỘNG là ổn. Nhưng với nhiều người, dù có bình nước sang trọng nhưng việc hoàn thành 1 bình/ngày cũng vô cùng khó. Vậy giải pháp là gì?

Ở cơ quan mình có một đồng nghiệp cũng tập thói quen uống nước. Nhưng anh bắt đầu bằng một thói quen nhỏ là cứ ngồi vào bàn lại kiểm tra bình nước, rồi đổ cho đầy. Sau đó ăn mừng như thể đạt giải Nobel.

Người ta nói để tạo ra thói quen cần 28 ngày, nhưng mình ngạc nhiên vì chỉ hai tuần sau, anh ấy đã thành công. Bên cạnh đó, anh ấy cũng rèn được rất nhiều thói quen khác trong thời gian ngắn. Bí mật nằm ở Thói quen Nhỏ, được định nghĩa là những hành động đảm bảo các 3 tiêu chí sau :

1. Phải QUÁ dễ, thực hiện dưới 30 giây

Mục đích của việc này là để GIẢM ĐỘ KHÓ tới mức tối đa, khi ấy sẽ không còn ĐẤU TRANH NỘI TÂM.

Việc uống hết một bình nước chắc chắn sẽ khó & lâu hơn việc kiểm tra bình và đổ cho đầy nước. Việc học 10 từ mới/ngày chắc chắn sẽ khó & lâu hơn là để từ điển sẵn trong phòng vệ sinh, rồi mỗi lần tắm xong thì ngó qua 1 từ! Việc tập thể dục 30 phút/ngày chắc chắn sẽ khó & lâu hơn là mỗi lần tắt báo thức, thì chống đẩy 1 cái!

Nghe thật kỳ quặc, nhưng chúng là tiền đề cho các thói quen lớn hơn! Mà không kỳ quặc đâu,Thói quen nhỏ (Tiny Habit) là công trình nghiên cứu 20 năm của giáo sư BJ. Fogg ở Đại Học Stanford đã giúp rất nhiều người thay đổi thành công.

2. Phải gắn với một thói quen cũ nào đó.

Trong trường hợp uống nước, thói quen cũ là… ngồi vào bàn, hành động nhỏ là kiểm tra bình nước và đổ đầy bình. Trong trường hợp học từ mới, thói quen cũ là… tắm, hành động nhỏ là học 1 từ. Còn trường hợp tập thể dục, thói quen cũ là tắt đồng hồ báo thức, hành động nhỏ là chống đẩy 1 cái.

Mình đã từng thử kết hợp giữa thói quen cũ là Chơi games, và học tiếng Anh vào làm một. Mỗi lần chơi Games nhập vai (một loại Game có cốt truyện hấp dẫn) và gặp một từ tiếng Anh mới, mình sẽ leo tận 3 tầng nhà… để tra từ điển. Sau một thời gian… kết quả là mình có thêm vốn từ vựng kha khá, khuyến mại thêm là ít chơi điện tử đi (vì leo cầu thang mệt lắm)

Để tạo thói quen nhỏ, bạn chỉ cần viết theo mẫu câu này : Mỗi lần tôi … (thói quen cũ) thì tôi nhớ sẽ phải … (hành động nhỏ)! Sau khi đã thành công, bạn lại tiếp tục tăng dần độ TO của hành động lên, cho tới khi đạt được mục tiêu. Tỷ lệ thành công đảm bảo trên 75%!

3. Phải ăn mừng ngay sau khi làm được

Chắc chắn game Flappy Bird sẽ khó mà gây nghiện nếu thiếu đi phần thông báo điểm số, còn Facebook sẽ khó mà thành công rực rỡ nếu thiếu đi nút Like huyền thoại. Chính cảm giác được ghi nhận đã giúp người ta tiếp tục duy trì làm một việc gì đó.



Khi đồng nghiệp của mình búng tay tanh tách, và vui mừng lạ thường mỗi lần đổ đầy bình nước, anh đã tự tạo ra cảm giác chiến thắng, cảm giác được ghi nhận. Nó giúp anh duy trì thói quen nhỏ ấy, và dần dần dẫn tới các thói quen lớn hơn, tỷ lệ thành công 100%.

Cảm Kích Quá! Giờ thì bạn đã hiểu tại sao Thói quen Nhỏ lại có Kết quả TO!

Tóm lại, đa số mọi người thất bại trong việc thay đổi bản thân vì :
Họ đổ lỗi cho thiếu động lực, thiếu CẢM hứng
Họ không biết tận dụng các yếu tố KÍCH hoạt
Họ bắt đầu bằng các việc QUÁ khó (so với họ)

Vậy thì bạn biết mình phải làm gì rồi đấy? Hãy làm khác đi. Hãy áp dụng 3 bước dưới đây để chinh phục bất kỳ thói quen nào bạn muốn (gợi ý : hãy tham khảo thói quen của tnhững người giàu có)
Tăng Cảm hứng : Tuy cảm hứng chỉ chiếm 5% nhưng cũng rất quan trọng. Hãy kết nối với những người đã làm được điều mà bạn muốn, để được họ truyền cảm hứng mỗi ngày. Nhưng nhớ tới việc phóng Vệ tinh, đừng quá phụ thuộc vào cảm hứng!
Tạo Kích hoạt :Hãy luôn nhớ tới hình ảnh cái Bình nước, và tập sử dụng các KÍCH HOẠT THỤ ĐỘNG hiệu quả. Tỷ lệ thành công của bạn sẽ luôn lớn hơn 50%
Đừng Quá khó : Hãy chia nhỏ thói quen lớn thành các thói quen nhỏ tới mức QUÁ dễ để thực hiện. Rồi dần tăng độ khó lên. Bạn sẽ thấy tỷ lệ thành công luôn đạt 75-100%

Nếu đọc bài Làm sao có một giờ cho ước mơ, bạn đã biết mình có một mục tiêu viết một cuốn sách Bestseller từ hồi sinh viên. Hồi đó mình mỗi ngày định viết 30 phút cơ, nhưng chưa có kinh nghiệm rèn luyện thói quen nên kết quả là vài năm vẫn chưa xong nổi chương giới thiệu. Nhưng chỉ trong 1 năm vừa rồi, mình đã xong bản thảo gồm 350 trang truyện và 50 trang sách(tiểu thuyết kết hợp bí quyết học tập siêu tốc).



Chưa biết là có thành bestseller hay không, chưa biết có ai đọc không. Nhưng mình vô cùng tự hào, vì nhiều người mất mấy chục năm nuôi dưỡng ước mơ viết sách mà vẫn chưa bắt tay viết. Mình đã làm gì? Đơn giản là liên tục áp dụng 3 bí mật trên!

Tăng cảm hứng : Mình đã đọc và học hỏi từ bộ sách Harry Potter, lối viết của bà J.K. Rowling rất sinh động. Bên cạnh đó, mình tin vào quy trình học hỏi của người tài giỏi nên đã đi tìm sách về nghệ thuật viết tiểu thuyết. Thật may mắn khi mình tìm được cuốn Fiction for Dummies vô cùng hay và truyền cảm hứng 

Tạo kích hoạt : Mình đặt chế độ mỗi lần bật máy tính lên, nó tự động mở file word ra để viết. Và điều thú vị là dù viết 30 phút hay 3 tiếng, mình chỉ sử dụng đúng bài nhạc bên trên (bạn có thể đang nghe) và bài bên dưới.

Thành ra bây giờ bất kể lúc nào, chỉ cần bật chúng lên là mình lại có thể ngồi viết ít nhất 2 tiếng. Âm nhạc nếu dùng đúng cách sẽ là một KÍCH HOẠT THỤ ĐỘNG rất hiệu quả. Bạn có thể tham khảo một Audio đã giúp rất nhiều bạn nâng cao năng suất học tập/làm việc lên gấp đôi tại đây.

Giảm độ khó : Có những tuần cảm thấy quá bận rộn không đủ thời gian viết, thì mình thực hiện những việc ngốn ít thời gian và dễ thở hơn như : thiết kế bìa sách, vẽ hình minh họa, gửi Email cho đồng nghiệp đọc thử, thậm chí nhỏ nhất là mỗi ngày đều mở ra một lần (sau đó gập lại). Chúng đều là  những việc nhỏ nhưng giúp mình vững bước tiến tới mục tiêu.

Cuối cùng là một câu chuyện tặng bạn!

Ngày xửa ngày xưa, một vị vua có tận ba hoàng tử nên không biết nhường ngôi cho ai. Một ngày nọ, vua quyết định đi vi hành ba năm để suy nghĩ. Trước khi đi ngài đã trao cho mỗi chàng một cái lọ và dặn “Trong này là những hạt giống thần kỳ, ta sẽ nhường ngôi cho ai bảo vệ chúng cẩn thận nhất”.

Sau khi vua đi, các chàng mở lọ hạt giống ra xem, và mỗi chàng lại nghĩ & làm khác nhau.
“Thần kỳ gì chứ, ra chợ thiếu gì?”, chàng thứ nhất nghĩ vậy nên quẳng hạt giống đi.
“Được rồi, ta sẽ bảo vệ nó cẩn thận”, chàng thứ hai bỏ nó vào két sắt, cử người canh giữ cẩn mật.
“Nếu thần kỳ, hãy xem nó mọc ra cái gì”, chàng thứ ba gieo hạt giống xuống đất, và kiên trì chăm sóc.



Ba năm sau, khi nhà vua về. Chàng đầu tiên ra chợ mua nhưng bị vua phát hiện, vì trên hạt giống xịn của nhà vua đều có chữ ký nhỏ xíu của ngài. Còn chàng thứ hai khi lấy lọ hạt giống ra từ két sắt niêm phong, chúng đã héo quắt và hỏng từ đời nào. Còn chàng thứ ba, hạt giống anh ta trồng đã trở thành một cánh đồng lúa xanh tốt. Nhà vua vô cùng hài lòng đã chọn chàng thứ ba.

Ba chàng hoàng tử trên chính là ba cách phản ứng sau khi người ta được học một thứ mới mẻ.
Không tin nên không áp dụng, không có kết quả.
Áp dụng sai nên kết quả không tốt, dẫn tới bỏ cuộc.
Kiên trì áp dụng cho tới khi đạt được kết quả tốt.

Có thể đọc xong bài này, bạn được tiếp thêm cảm hứng. Nhưng hãy nhớ : chính sự kiên trì áp dụng của bạn mới đem lại kết quả thực sự. Hãy cứ tin tưởng, hãy cứ áp dụng, hãy là chàng hoàng tử thứ ba, hãy gieo trồng ngay những hạt giống tốt lành bạn nhận được hôm nay và kiên trì chăm sóc chúng. Chắc chắn kết quả tuyệt vời sẽ tới, có thể là 3 năm, 3 tháng, 3 tuần… thậm chí 3 ngày!

You Might Also Like

0 nhận xét

Popular Posts

Like us on Facebook

Flickr Images

Subscribe